-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Sở Xây dựng Hà Nội giới thiệu ứng dụng mô hình thông tin công trình
Đăng bởi Kiến Việt vào lúc 22/06/2024
Sở Xây dựng Hà Nội giới thiệu ứng dụng mô hình thông tin công trình
(LĐTĐ) Sáng 21/6, Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức hội thảo chuyên đề áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng. Hội thảo thu hút sự quan tâm, góp ý của các sở ngành, địa phương trên địa bàn thành phố và các chuyên gia trong nước, quốc tế nhằm sớm áp dụng vào thực tế triển khai trong hoạt động xây dựng trên địa bàn.
Giới thiệu tổng quan về BIM, theo ông Đỗ Chí Hưng, Trưởng phòng Quản lý Xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội, mô hình BIM là sử dụng các công nghệ để số hoá các thông tin của công trình thể hiện thông qua mô hình không gian ba chiều (3D) nhằm hỗ trợ quá trình thiết kế, thi công và quản lý vận hành; áp dụng mô hình BIM trong hoạt động xây dựng giúp nâng cao hiệu quả quản lý xây dựng, giảm thiểu chi phí và tăng cường độ chính xác giảm thiểu các xung đột trong quá trình thiết kế, xây dựng và quản lý vận hành các công trình xây dựng.
Hội thảo nhằm mục tiêu cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 268/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 về việc thực hiện áp dụng mô hình BIM đối với các công trình xây dựng mới từ giai đoạn chuẩn bị dự án.
Trong đó, từ năm 2023, áp dụng BIM bắt buộc với công trình cấp I, cấp đặc biệt với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư từ giai đoạn chuẩn bị dự án. Từ năm 2024, áp dụng bắt buộc với các công trình cấp I, cấp đặc biệt sử dụng vốn khác và đến năm 2026, bổ sung thêm công trình cấp II.
Ông Đỗ Chí Hưng, Trưởng phòng Quản lý Xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội trao đổi chuyên đề áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng.
Tại Hà Nội, Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có mục tiêu tổng quát “Đến năm 2030, xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành Thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới”. Trong đó, đô thị thông minh cần có những công trình thông minh, mô hình BIM là điều kiện cốt lõi để xây dựng công trình thông minh.
Chia sẻ tại Hội thảo, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc số hóa các thông tin, chuyển đổi từ quản lý tài liệu trên giấy thành dữ liệu điện tử là một công đoạn rất quan trọng, trong đó mô hình thông tin công trình BIM đang được ứng dụng rộng rãi trong ngành xây dựng nói chung.
“Khi được ứng dụng, toàn bộ quy trình từ thực hiện dự án đến bàn giao đưa vào sử dụng đều được các đơn vị cập nhật vào mô hình BIM. Quá trình triển khai, xây dựng mô hình quản lý đều có sự tham gia thực hiện của các đơn vị chủ đầu tư, tư vấn lập dự án, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công... từ đó góp phần tạo điều kiện cho công tác kiểm tra, giám sát, quản lý vận hành và bảo trì công trình của các bên liên quan”, đại diện Sở Xây dựng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe các chuyên gia trong nước và nước ngoài giới thiệu về kết quả áp dụng các mô hình BIM đã được triển khai tại nhiều dự án. Theo đó, từ mô hình thiết kế của nhà thầu, đơn vị tư vấn sẽ cập nhật trong mô hình quản lý với các thông tin được bổ sung chi tiết hơn, tạo thuận lợi hơn cho quá trình thi công và khai thác cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý vận ,hành, duy tu duy trì sửa chữa.
Trong đó thành phố Hà Nội cũng đã có nhiều công trình đang được triển khai áp dụng thí điểm mô hình BIM như Dự án xây dựng Cung văn hóa thể thao Thanh niên Hà Nội, dự án xây dựng trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, dự án xây dựng nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3.5 và đường Đại lộ Thăng Long,…
Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến góp ý từ các cơ quan, đơn vị trên đại bàn Thành phố, nhằm trao đổi kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực từ đó góp phần đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ BIM vào quản lý xây dựng tại các quận, huyện nói riêng và trên địa bàn Thành phố nói chung, theo đúng lộ trình chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội.
Trên thực tế, với ngành xây dựng, quy trình “BIM - Building Information Modeling” không phải là quá xa bởi đây là một quy trình tiên tiến được ứng dụng nhiều trong ngành. Mô hình BIM này cao cấp hơn nhiều so với các bản vẽ 2D, 3D đơn thuần, chúng được tạo thành bởi các mô hình thông minh kèm theo rất nhiều thông tin cần thiết.
Được biết, hiện tại Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng về ban hành định mức xây dựng. Trong đó, bổ sung các chi phí áp dụng BIM khi lâp các báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế kỹ thuật… với chi phí không vượt quá 15 – 20% chi phí thiết kế bản vẽ thi công của công trình.
(Theo Tuấn Dũng -Lao động thủ đô)